Giấy phép xuất khẩu lao động – Tư vấn chi tiết 2024

Trong bối cảnh ngày càng nổi rộng hoạt động xuất khẩu lao động, giấy phép xuất khẩu lao động là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việt Nam đã trở thành một thị trường tiếp nhận lao động ngày càng rộng mở, mang lại cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp và hàng triệu việc làm cho người lao động Việt Nam. Luật Thành Đô xin gửi tới Quý khách hàng những tư vấn, phân tích cũng như các quy trình liên quan đến Thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động.

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Khi tiến hành thủ tục xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, Quý khách hàng cần lưu ý các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các quy định của pháp luật liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động gồm:

  • Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;
  • Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Nghị định 112/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Các văn bản hướng dẫn có liên quan khác.

2. GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG LÀ GÌ?

Giấy phép xuất khẩu lao động là giấy phép cấp cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đối tượng cấp giấy phép là các doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp.

Giấy phép xuất khẩu lao động có hoa văn màu vàng nhạt, nền trống đồng, hình Quốc huy và tên viết tắt của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bằng tiếng Anh (MOLISA) được in chìm, trên giấy bìa cứng kích thước khổ A4 (21 cm x 29,7 cm), khung viền màu xanh.

3. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần phải đáp ứng đủ các điều kiện mà Luật Thành Đô đã tổng hợp và phân tích dưới đây.

3.1. Điều kiện về vốn điều lệ công ty xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động phải có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên. Doanh nghiệp cần chứng minh có đủ số vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng thông qua xác nhận số dư tài khoản của ngân hàng thương mại.

Lưu ý: Doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh hơn một năm phải nộp báo cáo kiểm toán.

3.2. Điều kiện về chủ sở hữu, thành viên, cổ đông

Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động phải là doanh nghiệp có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước. Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thể xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động mà bắt buộc phải là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước.

3.3. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động

Theo quy định, khi xin giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp phải ký quỹ số tiền là 2.000.000.000 VND tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động, phải ký quỹ thêm 500.000.000 VND đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ. Số tiền ký quỹ này sẽ bị phong tỏa trong tài khoản ngân hàng trong suốt quá trình hoạt động xuất khẩu lao động.

3.4. Người đại diện pháp luật của công ty xuất khẩu lao động

Theo quy định, doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Người đại diện không được thuộc diện truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có án tích về các tội phạm nghiêm trọng.

3.5. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có đội ngũ nhân viên nghiệp vụ tối thiểu 8 người chịu trách nhiệm thực hiện và đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên thuộc nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, nhân văn, dịch vụ xã hội, khoa học xã hội và hành vi hoặc kinh doanh và quản lý;
  • Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên khác với các lĩnh vực nêu trên và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3.6. Cơ sở vật chất của doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải có cơ sở vật chất để làm việc và cơ sở để tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động. Cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng phải đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

  • Có phòng học và phòng nội trú cho ít nhất 100 học viên tại một thời điểm;
  • Có nơi sơ cứu, cấp cứu với trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu;
  • Phòng học có diện tích tối thiểu 1,4m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập;
  • Phòng nội trú có diện tích tối thiểu 3,5m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt nội trú;
  • Khu vực nội trú bố trí tách biệt cho học viên nam và nữ, có đủ buồng tắm và nhà vệ sinh.

3.7. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp xin giấy phép xuất khẩu lao động

Doanh nghiệp cần thiết lập trang thông tin điện tử có tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp cũng phải đăng tải các thông tin cơ bản của doanh nghiệp, hình ảnh Giấy phép sau khi được cấp và nội dung thông tin về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Để xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:
(1) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;
(2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
(3) Bản chính giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
(4) Bản sao Điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm đề nghị cấp giấy phép và giấy tờ chứng minh việc góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
(5) Hồ sơ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, bao gồm: bản sao bằng cấp chuyên môn từ đại học trở lên, văn bản xác nhận kinh nghiệm từ 05 năm trở lên trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hoặc dịch vụ việc làm, phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng trước thời điểm đề nghị cấp phép;
(6) Danh sách trích ngang nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng kèm theo tài liệu chứng minh đủ điều kiện;
(7) Hợp đồng thuê/mượn hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ sở vật chất để giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
(7) Văn bản chứng minh có trang thông tin điện tử.

5. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Để xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động, Quý khách hàng cần phải tuân thủ và thực hiện đúng và đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để được giấy phép. Dưới đây là quy trình xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động:

5.1. Quy trình nộp và giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động

  • Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ cấp giấy phép xuất khẩu lao động là Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
  • Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại địa chỉ: 41B Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
  • Nếu sử dụng dịch vụ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động của Luật Thành Đô, chúng tôi sẽ thay mặt doanh nghiệp liên hệ với cơ quan nhà nước, nộp hồ sơ và nhận kết quả.

5.2. Lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu lao động
Lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu lao động là 5 triệu đồng. Doanh nghiệp nộp lệ phí tại thời điểm nhận Giấy phép.

6. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bao gồm các nội dung sau:

  • Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài.
  • Chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động.
  • Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
  • Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  • Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
  • Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.

7. DỊCH VỤ XIN GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Luật Thành Đô là đơn vị hàng đầu cung cấp dịch vụ hỗ trợ thủ tục xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao đã tư vấn trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chúng tôi cam kết cung cấp dịch vụ trọn gói, nhanh chóng và chính xác nhất. Đồng thời, chúng tôi đảm bảo hoàn lại 100% phí dịch vụ trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp giấy phép xuất khẩu lao động.

Ngoài dịch vụ xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động, Luật Thành Đô cũng cung cấp các dịch vụ pháp lý nổi bật khác và luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí và hỗ trợ doanh nghiệp.

8. HỎI ĐÁP VỀ GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Q1: Giấy phép xuất khẩu lao động có thời hạn không?
Theo quy định hiện hành, giấy phép xuất khẩu lao động không có giới hạn thời hạn. Doanh nghiệp đáp ứng và duy trì điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, sẽ nhận được giấy phép và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Q2: Sau khi được cấp giấy phép xuất khẩu lao động, tôi phải làm gì?
Sau khi được cấp giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp phải thực hiện công bố và niêm yết giấy phép. Cụ thể:

  • Niêm yết công khai bản sao giấy phép tại trụ sở chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp giấy phép.
  • Đăng tải giấy phép và các thông tin bắt buộc trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

Q3: Doanh nghiệp xuất khẩu lao động được thành lập bao nhiêu chi nhánh?
Theo quy định hiện nay, không có giới hạn về số lượng chi nhánh của doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, khi mở 1 chi nhánh mới, doanh nghiệp phải ký quỹ 500.000.000 VND.