Hàm nghĩa của chữ “Sinh”

by Chiếu Viễn

[ChanhKien.org] – Từ “Sinh” (生) là một từ hội ý, được tạo thành từ hai hay nhiều bộ chữ, đây là chữ cổ Giáp Cốt của Trung Quốc. Phần trên của chữ là “thảo mộc”, phần dưới là “mặt đất” hoặc “thổ nhưỡng”. Nghĩa gốc của từ này chỉ đề cập đến cây cỏ sinh trưởng trên mặt đất. Tuy nhiên, chữ “sinh” còn có nghĩa là sản sinh, sáng tạo và nuôi dưỡng.

Trong thư pháp chữ Khải, chữ “sinh” (生) được viết với phần trên là “nhân” (人) và phần dưới là “thổ” (土), tức là “con người ở trên mặt đất”. Điều này mang ý nghĩa là sinh. Người sống sau khi qua đời sẽ được an nghỉ dưới lòng đất, không thể tiếp tục ở trên mặt đất. Vì vậy, nơi ở của con người sống nên là trên mặt đất, nơi có ánh sáng Mặt trời. Nếu ở lâu trong căn phòng dưới lòng đất, hay dưới cầu, trong đường hầm, sẽ mang lại không khí u ám, không có lợi cho sức khỏe.

Nếu nhìn từ một góc độ khác, theo lý luận của các Đạo gia, trong vũ trụ này mà xã hội nhân loại sống, tất cả vạn vật được tạo nên từ âm dương và ngũ hành. Cơ thể con người, cũng không phải là ngoại lệ, là một phần của vật chất được tạo thành từ đất. “Thổ” là một trong ngũ hành, cho nên với những sinh mệnh ở cảnh giới cao, thân thể con người chính là đất, và cuộc sống trên thế gian chính là viễn cảnh bị chôn vùi trong đất. Với những sinh mệnh trong các cảnh giới cao tầng, chữ “sinh” lại có ý nghĩa như là “tử”, tức là chết trong mắt họ. Câu nói của Lão Tử “xuất sinh nhập tử” (sinh ra là chết đi) cũng có ý nghĩa như vậy.

Vì vậy, con người chỉ có một cách duy nhất để tránh khỏi cõi chết là tu luyện trong Đạo đúng, dũng mãnh và hướng về trí tuệ, và cuối cùng thoát khỏi sự chi phối của Ngũ hành. Điều này sẽ giúp con người rời xa cõi chết, và bước vào cuộc sống vĩnh hằng.


Chú thích:

(1) Chữ Giáp Cốt là chữ Hán cổ được viết trên mai rùa hay xương của các loài vật thú, có hình dạng tương tự như những vật thực tế. Đây được coi là hình thức đầu tiên của chữ Hán.

Ngày đăng: 26-06-2017
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi rõ tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.